Thursday, March 10, 2016

Các thầy cô nếu gặp oan gia, nên nghĩ rằng nghiệp quá khứ này đã trả rồi và lòng cảm thấy nhẹ. Như vậy, chắc chắn người gây sự sẽ đến xin lỗi; nếu không xin lỗi, họ cũng cảm thấy áy náy và người ngoài sẽ nhận xét rằng thầy đó tu thiệt, không phản ứng lại, nghĩa là họ bênh vực mình, hay để cho người khác nói thay mình.
Tôi đọc từng câu kinh, thấm thía để vô lòng, làm bài học suy cứu. Trong kinh Bảo Tích, Phật dạy Văn Thù Bồ-tát rằng nếu ma vương nói xấu thì đừng đính chính, để ma phải tự nói lại. Phật bảo Văn Thù, nhưng tôi suy nghĩ ý này của Phật dạy để áp dụng cho mình. Khi gặp điều ngang trái, khó khăn, thì Văn Thù là trí, mình dùng trí quán sát, để người nói sai tự nói lại, mắc chi mình đính chính.
Phật thuyết pháp, có nhiều đề tài để chúng ta tự suy nghĩ, chứng lấy, là Tỳ-kheo đem pháp vô lòng để nuôi giới thân huệ mạng bên trong. Tỳ-kheo mà thiếu giới thân huệ mạng thì chỉ còn cái xác, không còn hồn. Hồn Tỳ-kheo rất quan trọng, là quả vị La-hán, hay lấy giới làm thân, trí tuệ làm mạng, thể hiện thành tám điều lành (Bát chánh đạo) là vị Thánh. Trong mùa an cư, thực tập được như thế mới thể hiện tư chất của người xuất gia. Trái lại, an cư nhưng không được pháp phần nào, quả là uổng phí đời tu.
Riêng tôi, nhờ trải qua hơn sáu mươi năm, trầm mình trong giáo pháp Như Lai và thể hiện trong cuộc sống tu hành, mới làm được một số việc lợi lạc cho đạo.
Mỗi mùa an cư, chúng ta ở yên một chỗ, tu khép kín và gặt hái được kết quả nhiều hơn là những tháng khác phải tiếp xúc bên ngoài. Nhưng vì lợi ích cho số đông, chúng ta có mở ra. Thí dụ trước kia tôi nhận trọng trách Trưởng ban Hoằng pháp, tôi nghĩ đến mùa an cư phải ở một chỗ để tu. Hòa thượng Trí Thủ đã khai thị tôi rằng trong mùa an cư, Tăng Ni tập trung một chỗ tu học, nếu thầy không dạy, thì hết mùa an cư, thầy giảng cho ai. Từ đó, tôi có thay đổi. Đến mùa an cư, tôi chuẩn bị hành trang đi thăm các trường hạ, trải qua hai mươi mùa hạ, tôi không ở yên một chỗ. Và tôi đã tập hợp tất cả những bài giảng cho Tăng Ni trong hai mươi mùa an cư (1994-2014) ghi lại những kinh nghiệm hoằng pháp của tôi trên mọi nẻo đường đất nước, từ Nam ra Trung đến miền Bắc, cho đến những vùng ngoại đạo đều có những pháp tương ưng. Tôi xin tặng bộ sách Hai mươi mùa an cư đến Tăng Ni trường hạ tỉnh nhà để quý vị có thể làm tài liệu tham khảo trên bước đường hoằng pháp lợi sanh.
Thiết nghĩ đối trước những hoàn cảnh khác nhau, pháp Phật tất yếu phải ứng dụng khác nhau, gọi là phương tiện huệ của người tu rất quan trọng. Theo Phật, không nên chấp pháp cố định nào. Kinh nghiệm quý báu này tôi đã trải qua.
Suốt một đời hành đạo, tôi suy nghĩ từ Phật giáo Nguyên thủy đến Phật giáo Phát triển và Phật giáo Đại thừa, tôi nhận thấy người tu pháp môn nào thường ôm chặt pháp môn đó và coi pháp khác đối lập. Riêng tôi luôn nghĩ từ thời pháp ở Lộc Uyển đến thời pháp cuối cùng Phật Niết-bàn, làm sao đây là con đường xuyên suốt để chúng ta nắm bắt. Vì vậy, tôi dành nhiều thì giờ đọc Kinh tạng Nikaya và các kinh điển Đại thừa, đọc hết, không bỏ sót. Và khi ngồi yên suy nghĩ, tôi nhận ra cái thống nhất, hóa ra đó là điều Phật dạy trong kinh Pháp hoa qua thí dụ rằng chỉ có đất sét, nhưng tùy theo nhu cầu của người dùng mà người thợ nặn ra cái nồi, cái lu, cái bình… Cũng vậy, tùy theo căn cơ, trình độ, nghiệp lực của con người mà Phật chỉ dạy các pháp khác nhau.
Vì vậy, đừng cố chấp. Bản chất của pháp tu là giúp chúng ta giải thoát, nhưng phương tiện sử dụng thì có vô số pháp. Có cái nhìn tổng hợp, từ kinh điển Nguyên thủy phát triển lên thành kinh điển Đại thừa. Cũng như từ một người, nhưng khi họ phát tâm vào đạo khác với lúc họ tu hành có tiến bộ và cho đến khi ngộ đạo, đắc đạo còn khác nữa; không phải lúc nào sở tu, sở đắc của mình cũng vậy. Trí tuệ của chúng ta phát triển lần, tầm nhìn phải mở rộng hơn chứ.
Đọc kinh Nguyên thủy, có năm mươi công tử dòng họ Da Xá xuất gia, chỉ qua một mùa an cư, tất cả những người này đều đắc La-hán. Bấy giờ, Phật tuyên bố các thầy đắc đạo rồi, không nên ở chỗ này nữa. Mỗi thầy đi một hướng làm lợi ích cho số đông, làm an lạc cho chư Thiên và loài người. Không nên ở Lộc Uyển mãi.
Ở giai đoạn đầu, Phật bảo các thầy phải ở yên một chỗ để tu, đừng đi, phải thực hành pháp Phật cho đắc Thánh quả. Thực hiện đúng theo Phật dạy như vậy sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp. Nhưng đắc Thánh quả rồi, mà ngồi yên một chỗ, thì uổng công tu, cho nên mỗi thầy phải đi một hướng để giáo hóa độ sanh. Nếu không hiểu ý Phật dạy, chưa đắc La-hán, mà mỗi thầy đi một hướng hành đạo thì làm được gì, thậm chí đi vào vùng ngoại đạo sẽ bị mất mạng.
Nhưng ngộ đạo, chứng đạo, đắc quả vị La-hán, có trí tuệ chỉ đạo, phải có suy nghĩ. Tôi hoằng pháp thành công cũng nhờ có trí tuệ chỉ đạo, suy nghĩ nên đi đến chỗ nào giáo hóa. Phật dạy rằng nên tới chỗ nào có duyên với mình. Phật cũng chỉ độ được người có duyên.
Bát quái có tám cửa, đi vào cửa sống thì sống, đi vào cửa chết phải chết. Tôi nhớ năm 1975, Hòa thượng Thiện Hòa gọi tôi vô, nói rằng ngài nằm mơ thấy trước cửa Tổng vụ Thanh niên, ai đó đã cắm tấm bảng "Tử lộ”. Tôi đã nhổ bỏ cái bảng này và cắm vào tấm bảng "Sanh lộ”. Hòa thượng chỉ nói như vậy thôi.
Sau đó, Hòa thượng Trí Thủ kêu tôi vào Viện Hóa đạo, bảo rằng Thầy Giác Đức đã vượt biên, vậy Trí Quảng làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên. Từ giấc mơ của Hòa thượng Thiện Hòa và lời dạy của Hòa thượng Trí Thủ, tôi làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, cho đến năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hình thành, tôi mới chuyển qua làm công việc hoằng pháp.
Tôi suy nghĩ khi đất nước độc lập, đương nhiên sinh hoạt thanh niên theo hướng cũ phải chấm dứt, thì đó là ý nghĩa của tấm bảng "Tử lộ”. Vì lúc đó, thành phố Hồ Chí Minh có Ban Quân quản do Thượng tướng Trần Văn Trà lãnh đạo, đã chỉ thị rằng các đoàn thể cũ giải tán. Điều này không phải chấm dứt là gì.
Muốn tồn tại, tôi suy nghĩ phải có sinh hoạt theo hướng mới, theo hướng cũ không được chấp nhận. Vì vậy, việc làm của tôi lúc bấy giờ là điều gì Nhà nước chấp nhận, cho phép thì làm. Chế độ mới tất nhiên có luật mới và chúng ta theo đó hành đạo. Luật mới, hay con đường sống của chúng ta là khi luật pháp, Hiến pháp thay đổi, chúng ta không thay đổi không được. Cấm mà làm thì ở tù, nhưng cho làm mà không làm là đánh mất cơ hội. Khi cho phép Tăng Ni tập trung tu học, chúng ta không làm quả là uổng. Thiết nghĩ có trí tuệ chỉ đạo, chắc chắn chúng ta phải làm được điều tốt đẹp.
Phật nói mỗi người đi hành đạo một hướng, có trí tuệ chỉ đạo, thấy chỗ có duyên thì đến. Còn nghe nói đi thì cứ đi là vào cửa tử, không tồn tại. Thật vậy, có người từ thành phố Hồ Chí Minh lên Bình Phước, làm nên sự nghiệp. Có thầy cũng đi, nhưng vô cửa tử.
Các thầy cô đến đây, phát tâm vô vùng sâu, nên coi hành trang của mình chuẩn bị có hay không. Hành trang là gì. Hành trang là chỗ đó có nhu cầu, mình đáp ứng được thì đến, họ hoan nghinh mình; nếu không đáp ứng được, chắc chắn họ không chấp nhận. Thí dụ mình tốt nghiệp tiến sĩ, lên đây hành đạo, nhưng Hòa thượng Trưởng ban Trị sự tỉnh nói rằng ngài không cần tiến sĩ, thì làm sao các thầy lãnh đạo Phật tử nơi đây yên ổn. Không đáp ứng được yêu cầu của địa phương là phiền não phát sinh cho mình và cho người.
Thầy tu đi hành đạo là phải đi đúng chỗ. Phật có mười Đại đệ tử, Ca Diếp giàu có, nhưng bỏ đi tu và chọn con đường khổ hạnh, ăn mặc rách rưới và sống rất đơn sơ, thì đến hóa độ người nghèo, họ mới chấp nhận.
Lên Bình Phước là tỉnh còn nghèo, đa số là người dân tộc. Các thầy cô phải biết phong tục, tập quán của người dân tộc, biết họ muốn gì, làm được gì, theo đó hướng dẫn, họ mới nghe theo.
Phật giáo là đạo trí tuệ, nhưng mình quên điều này. Người dân tộc cần thực phẩm, nhưng mình khất thực, bảo họ cho mình ăn, họ sẽ không chấp nhận. Các mục sư Tin Lành biết họ thiếu thốn, nên tập hợp họ cho gạo, cho thức ăn..., cho đồ chơi cho trẻ con. Tôi quen một mục sư, ông nói rằng tu sĩ Phật giáo học nhiều, nhưng không dùng vô đâu được! Câu nói này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đạo Tin Lành huấn luyện một mục sư làm một việc là chỉ biết cầu nguyện, vì theo họ, cầu nguyện là nhu cầu của xã hội. Đem bằng tiến sĩ lên tỉnh này thì không thành công, chỉ cần chuông mõ để cầu an, cầu siêu, lại có quần chúng, vì dân tộc nơi đây chỉ biết cầu Trời phò hộ cho họ bánh, gạo. Đáp ứng yêu cầu này thì họ theo.
Nếu các thầy cô tốt nghiệp tiến sĩ ở Ấn Độ về, nên đến xin làm việc ở Viện Nghiên cứu Phật học, thành phố Hồ Chí Minh, thì tôi giao công tác, vì tôi đang cần người có học vị; còn vác bằng cấp lên vùng dân tộc để làm gì. Tới địa phương nào phải hội nhập sinh hoạt nơi đó. Nếu tôi lên tỉnh này, cũng phải trồng khoai, cuốc đất để gần gũi mọi người, Phật dạy đó là đồng sự nhiếp, việc làm của mình và họ không khác nhau.
Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là ông trưởng giả cởi chuỗi anh lạc, mặc áo thô rách, tay cầm đồ hốt phân để gần gũi cùng tử. Xưa kia, Đức Phật từ ngôi vị thái tử mà từ bỏ, Ngài làm Sa-môn sống gần những người tu khổ hạnh để dìu dắt họ trở về Phật đạo. Ban đầu, các người ngoại đạo nhìn Phật nghi ngờ rằng ông này là thái tử thì chịu cực khổ được mấy ngày. Nhưng khi thấy Phật nhịn đói đến độ da bụng dính với xương sườn là Phật khổ hạnh hơn họ, họ mới nghe theo.
Các thầy cô vô Bình Phước cần hành trang là sức khỏe tốt, biết lao động giỏi và quý vị làm giúp họ, chắc chắn họ dễ nghe theo. Điều này tôi đã thực hiện từ hơn sáu mươi năm trước. Lúc đó, tôi ở tu với một thầy trong am tranh. Ông gốc nông dân, nên trồng bầu, mướp, cây ăn trái cho quả rất nhiều. Ông nói rau quả nhiều quá, làm sao ăn hết, mới bàn với tôi nên xuống xóm kêu họ lấy về ăn, hay hai thầy trò chịu cực gánh xuống xóm cho dân làng. Cuối cùng, chọn giải pháp thứ hai, vì kêu họ lên lấy, chưa chắc họ đi, xuống xóm năn nỉ các ông bà giúp giùm. Cho họ ăn mà phải năn nỉ ăn giùm, khiến họ có ý niệm tốt về người tu, từ đó, họ có gì thì đem lên chùa cho. Đến mùng một, rằm, họ cũng lên chùa cúng, đó là giáo hóa không cần gì, chỉ cần gần gũi, cảm thông họ, họ sẽ thương mình. Tình người phải có trước là như vậy.
Phật dạy mỗi người đi hành đạo một hướng là theo hướng tâm linh, theo định hướng nguyện của mình mà đi, không phải một ông đi Đông, một ông đi Tây rồi chẳng làm được gì. Xưa kia, Ca Diếp cởi áo sang trọng, mặc áo thô rách để sống gần gũi người nghèo mà độ họ. Nhưng Ca Chiên Diên là cháu của Tiên nhân A Tư Đà, ông là nhà chiêm tinh giỏi, nên ông đi vào vùng mà người ta tin vào ngày lành tháng tốt, tin vào những việc mà người bình thường không biết được. Ông chỉ dạy họ giải quyết được những thắc mắc, khó khăn một cách dễ dàng, nên họ nể phục, theo ông để có được cuộc sống bình an.
Theo Phật, mỗi người hành đạo chọn một hướng và suy nghĩ xem nên làm gì. Ở Đồng Xoài, Đồng Phú, tất nhiên việc làm phải khác với Hà Nội, Sài Gòn. Chọn vùng có người dân tộc, dĩ nhiên phải biết tiếng dân tộc và đáp ứng được yêu cầu của họ, mới có thể đem đạo vào đời, làm đẹp cho đời.
Bài học đầu tiên của Phật dạy, mười Đại đệ tử vẫn làm theo. Thí dụ Phú Lâu Na chọn thuyết pháp. A Nan chọn con đường học rộng nghe nhiều, ngài nghe Phật nói, ghi nhớ đầy đủ không sót. Khi Ca Diếp yêu cầu kiết tập lời Phật dạy, nhờ trí nhớ siêu tuyệt của A Nan, chúng ta mới có tạng kinh Nikaya.
Mỗi người một hướng, mỗi người một việc, không giẫm chân lên nhau. Nếu mỗi người cùng một hướng sẽ đụng chạm, không lợi cho mình cũng không giúp được ai, gây ra tranh chấp.
Chọn đúng hướng, đúng việc và theo khả năng, theo nguyện, lần lần chúng ta cùng đi lên, cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm là Niết-bàn, có Đức Phật Thích Ca hiện hữu.
Cầu mong tất cả quý thầy cô đều đi đúng hướng của mình, thành tựu việc làm theo sở nguyện, để Phật pháp còn mãi trên nhân gian làm lợi lạc cho tất cả mọi người. l