Tụng kinh là chúng ta đọc lại lời Phật đã dạy, để hiểu ý nghĩa và thật hành cho đúng, nhờ thế chúng ta tạo được quả lành, tụng kinh cũng là pháp môn tu để cho tam nghiệp (thân, khẩu, ý) được thanh tịnh.
Trung Quốc là một nước có nền Nhạc lễ từ xa xưa, trước thời Khổng Tử (551ttl-478ttl) đã có kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc và Khổng Tử viết sách Xuân Thu, người sau gọi đó là Lục kinh. Lễ và Nhạc Trung Quốc dù sao cũng có ảnh hưởng trong Lễ Nhạc Phật Giáo, cách dùng Trống, Chuông, Mõ trong lúc làm lễ Phật, Tụng kinh gọi là Nghi thức Chuông mõ, mục đích giúp cho những người tham dự hành lễ, tụng kinh được chí thành, trang nghiêm hơn.
Ý Nghĩa
Chuông luôn luôn để bên tay trái của tượng Phật hay Bồ Tát, mõ bên tay phải. Nguời thỉnh chuông gọi là Duy na, người gõ mõ gọi là Duyệt chúng.
Tiếng chuông phát ra âm thanh lắng động, đêm khuya nghe tiếng chuông lòng chúng ta sẽ lắng động, thanh thản, phiền não dường như tiêu tan. Ở trong chùa có bài kệ khi thỉnh chuông như sau:
Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới,
Thiết vi u ám tất giai văn,
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác.
Bài kệ đọc khi nghe có tiếng chuông:
Văn chung thinh phiền não khinh,
Trí huệ trưởng Bồ đề sanh,
Ly Ðịa ngục xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật độ. chúng sanh
Án Dà Ra Ðế Da Ta Bà Ha (3 lần)
(Nghĩa là: Nguyện cho tiếng chuông nầy vang khắp nơi, ở Ðịa ngục u ám Thiết vi cũng được nghe, ở trần thế được thanh tịnh chứng quả, hết thảy chúng sanh đều thành bực chánh giác và bài kệ sau: Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ đi, trí tuệ tăng trưởng thêm, sanh tâm Bồ đề, rời khỏi địa ngục, không bị lửa địa ngục thiêu đốt, nguyện thành Phật để độ hết chúng sanh)
Trong chùa còn có một bài kệ nữa để sách tấn Tăng, Ni tu hành:
Văn chung ngọa bất khởi,
Hộ pháp thiện thần sân,
Hiện thế duyên phước bạc,
Lai thê thọ xà thân.
(Nghĩa là: Nằm nghe tiếng chuông mà không dậy, làm cho những vị thần hộ pháp giận, trong đời duyên phước kém, kiếp tới trở thành thân rắn).
Cho nên tiếng chuông rất quan trọng, lại nữa trong khi tụng kinh, tiếng chuông báo hiệu cho người dự được biết sắp chuyển qua niệm danh hiệu khác, sắp hết một bài kinh hay kệ, bắt đâu lạy xuống cũng như khi đứng lên được nhịp nhàng. Thỉnh thoảng trong bài kinh dài có thỉnh chuông để cho người dự tĩnh thức trong lúc tụng kinh.
Nghi Thức
Sau khi bàn Phật đã chuẩn bị xong về nhang, đèn, hoa quả, người thỉnh chuông sẽ thỉnh 6 tiếng chuông, có nghĩa là giữ cho sáu căn thanh tịnh để tụng kinh. Mỗi lần vị chủ lễ xá, thỉnh một tiếng chuông, khi vị chủ lễ lạy xuống, thỉnh một tiếng chuông và khi trán vị chủ lễ chạm nền chánh điện thì dập chuông (dùng dùi gõ vào vành chuông rồi giữ dùi chuông lại trên vành chuông, như thế âm thanh của chuông không vang ra). Khi nghe dập chuông thì vị chủ lễ cũng như mọi người tham dự cùng đứng lên.
Sau phần Ðãnh lễ, bắt đầu vào chuông mõ như sau:
Chuông thỉnh trước:
Mõ gõ sau khi chuông chấm dứt: – – – – – – – (bốn tiếng rời, tiếp theo hai tiếng liền nhau, cuối cùng một tiếng rời ra)
Sau đó chuông mõ hòa nhau như sau: * – * – * – – – – *
Chuông thỉnh một tiếng rồi mõ tiếp theo một tiếng, chuông đủ ba tiếng ngưng chờ, mõ đánh thêm tiếng thứ tư, tiếng thứ năm và sáu liền nhau, rồi chuông dập cùng lúc với tiếng mõ thứ bảy.
Mỗi khi bắt đầu vào bài Kinh, bài Chú hay Kệ, mõ bắt đầu đánh vào tiếng thứ 2, thứ 4 và những tiếng kế tiếp, ví dụ:
Kệ Khai Kinh
Phật pháp cao siêu rất nhiệm mầu …
Mõ cứ tiếp tục đánh cho đều nhịp, đến khi câu cuối còn chừng 5 hay 7 tiếng, đánh lơi ra và trước tiếng cuối cùng, mõ đánh hai tiếng liền nhau như sau:
… Chân nghĩa Như Lai hiểu thật sâu.
Hoặc chẳng hạn như:
… Thanh tịnh đại hải chúng Bồ Tát Ma Ha Tát!
Còn Chuông khi chấm dứt niệm mỗi danh hiệu Phật hay Bồ Tát sẽ thỉnh một tiếng chuông, để người ta biết là sẽ sang qua danh hiệu Phật hay Bồ Tát khác, trong bài kinh dài, thỉnh thoảng cuối câu nên thỉnh một tiếng chuông. Chấm dứt mỗi bài Kinh, Kệ hay Chú, chuông thỉnh 3 tiếng ở vào tiếng thứ 5, tiếng thứ 3 và tiếng chót, như sau:
… Chân nghĩa Như Lai hiểu thật sâu.
Chúng ta nên nhớ rằng, mõ dùng để giữ nhịp tụng cho đều, mõ gõ nhanh hay chậm tùy theo vị Chủ lễ, vị nầy tụng chậm, mõ phải gõ chậm, vị nầy tụng nhanh, mõ phải gõ nhanh, những bài Chú vì không có nghĩa nên bao giờ cũng tụng nhanh, mõ phải gõ nhanh hơn bài Kinh hay Kệ, khi Niệm danh hiệu Phật 30 lần hay trên số đó, vị Chủ lễ sẽ niệm nhanh, mõ phải gõ nhanh. Khi chủ lễ phục nguyện không gõ mõ.
Tiếng chuông rất quan trọng khi hợp tụng, dùng để báo cho người dự biết bài kinh sắp chấm dứt, sắp chuyển sang niệm danh hiệu Phật hay Bồ Tát kế tiếp. Người thỉnh chuông phải chú ý xem khi nào vị Chủ lễ xá thì thỉnh một tiếng chuông, về niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát hay Chú, vị Chủ lễ sẽ dẫn chúng niệm 3 lần, 7 lần, 10 lần, 21 lần … tùy trường hợp, do đó nên để ý, thấy vị Chủ lễ xá mới thỉnh chuông. Bao giờ khi bài Kinh, Kệ, Chú sắp chấm dứt, vị Chủ lễ sẽ tụng, niệm chậm, lơi dần ra, mõ theo đó gõ chậm, người thỉnh chuông chú ý thỉnh 3 tiếng chuông vào tiếng thứ 5, thứ 3 và cuối cùng (nếu biết).
Trong khi người gõ mõ, gõ sai nhịp hoặc nhanh quá hay chậm quá, người thỉnh chuông trở dùi chuông lại, gõ nhẹ vào chuông theo nhịp tụng, niệm của vị Chủ lễ, người gõ mõ nương theo đó mà gõ cho đúng.
Khi chấm dứt thời kinh, người thỉnh chuông sẽ thỉnh 1 hồi và 3 tiếng rời sau cùng, tượng trưng cho sự gìn giữ tam nghiệp luôn được thanh tịnh. Cư sĩ tụng kinh tại gia, có một mình thôi, Nghi thức chuông mõ cũng y như vậy. Chỉ riêng chuông và mõ để thế nào cho tay thuận gõ mõ, tay kia thỉnh chuông, không nhất thiết phải để y như trên kia đã nói. Trong khi quỳ tụng kinh, thì chuông mõ phải để ngang với cùi chỏ, còn ngồi thì chuông mõ phải để xuống nền Chánh điện, như vậy mới thuận tiện cho việc gõ mõ.
Kết
Trong khi tụng Kinh, ngoài vị Chủ lễ ra, tiếng Chuông, Mõ rất quan trọng, nhờ mõ giữ nhịp tụng đuợc đều, nhờ chuông người dự biết bài tụng sắp chấm dứt, chuyển niệm danh hiệu, hoặc khi lễ Phật, lạy xuống, đứng lên đuợc nhịp nhàng, tạo thành không khí trang nghiêm thanh tịnh. Mỗi chúng ta cần phải biết Nghi thức Chuông Mõ để sử dụng, dù cho khi tụng Kinh chỉ một mình, nhưng có Nghi thức sẽ giúp cho thời tụng kinh đuợc trang trọng, chí thành hơn.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.AUSTRALIA,SYDNEY.18/8/2020.
No comments:
Post a Comment