Wednesday, August 26, 2015

THÍCH CHƠN THÀNH.
 
 

Thế danh:  Nguyễn Thứ. Pháp danh:  Thích Chơn Thành.
Phẩm vị:  Hòa Thượng. Phó Tăng Thống của Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Nguyên thành viên Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống của GHPGVNTN.
Sinh ngày mùng 9 tháng 8 năm 1934, tại xã Xuân Thọ, quận Sông Cầu, Tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Xuất gia năm 22 tuổi với Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Liên, Viện Chủ Thiền Viện Quảng Đức, Thủ Đức, Sài Gòn.
1957 tham học tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Miền Nam Việt Nam, rồi tham học tại Phật Học Viện Giác Sanh, Sài Gòn hơn một năm. Sau đó theo Hòa Thượng Bổn Sư Thích Quảng Liên về tham học tại Chùa Trà Cú, Phan Thiết hơn một năm với Hòa Thượng Sư Ông Thích Vĩnh Thọ, Trú Trì Chùa Trà Cú, một danh lam thánh tích của Phật Giáo Việt Nam, do Tổ Hữu Đức, bậc cao Tăng từ Phú Yên vào khai sơn.
Sau khi rời Chùa Trà Cú thì tham học tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, khoảng một năm rưỡi.
1962: Về lại Phật Học Đường Nam Việt, Chùa Ấn Luang, Sài Gòn.
1963: Tham gia phong trào tranh đấu của Phật Giáo đòi quyền bình đẳng tôn giáo và chống chế độ độc tài gia đình trị của nhà họ Ngô.
1966:  Theo học Cử Nhân tại Đại Học Vạn Hạnh.
1969:  Đi du học Nhật Bản tại Đại Học Risshò University (Đại Học Lập Chánh).  Ba năm sau thì không còn nhận tài trợ từ quê nhà nên phải vừa đi làm vừa đi học cùng với những pháp hữu như Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Nguyên Đạt, Hòa Thượng Thích Trí Hiền, Lâm Như Tạng, v.v…  Chính trong thời gian vừa đi học vừa làm việc cực nhọc để vươn lên, đã tư duy sâu thẳm về  bản chất của cuộc đời và phương thức hành đạo, từ đó tạo động cơ để bắt đầu viết cuốn Thánh Kinh Thiện Thệ tại Nhật Bản.
1973:  Chi Bộ Trưởng Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Nhật Bản.
Tháng 3 năm 1975:  Chủ Tịch Ủy Ban Vận Động Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Tranh Việt Nam.
Lúc 7:30 tối ngày 10 tháng 6 năm 1975 đài Truyền Hình NHK của Chính Phủ Nhật Bản đã cho chiếu cuốn phim truyện về cuộc đời “Ông Sư Việt Nam” (Betonamu No Obosau).  Từ đó tên tuổi đã được đại cheng Nhật Bản biêt đến khắp nơi.
1983:  Lần đầu tiên tham quan đất nước Hoa Kỳ.
Ngày 01 tháng 3 năm 1984 chính thức viếng thăm Trung Quốc theo lời mời của Chính Phủ Bắc Kinh.
1985:  Định cư tại Hoa Kỳ theo lời mời và chấp thuận của Tổng Thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan.  Những năm đầu ở Hoa Kỳ tại trú xứ Chùa Phật Tổ, thành phố Long Beach, bang California, do Cố Hòa Thượng Thích Thiện Thanh khai sáng và trú trì.
1987:  Thành lập Chùa Liên Hoa, thành phố Garden Grove, California, Hoa Kỳ.
1995:  Hoàn thành công trình xây cất Chùa Liên Hoa.
Chủ trương và thực hiện chương trình phát thanh Tiếng Từ Bi, trên băng tầng 1480 AM từ 8:30 đến 9:00 PM mỗi tối thứ Hai hằng tuần và băng tầng 1190 AM từ 8:30 đến 9:00 PM mỗi tối thứ Tư hằng tuần.
Chủ trương Trung Tâm Từ Thiện Xã Hội Phật Giáo Miền Nam California, đã tổ chức nhiều đợt quyên góp tài chánh và vật liệu để cứu trợ nạn nhân các trận thiên tai tại Việt Nam, Đông Nam Á và Hoa Kỳ.
Chủ Bút tạp chí Trúc Lâm, tại California, Hoa Kỳ
Tác phẩm đã xuất bản:
Thánh Kinh Thiện Thệ - Bình An Thiên Lộ
Thánh Kinh Thiện Thế - Bình An Thiên Lộ
Thánh Kinh Thiện Đức – Bình An Thiên Lộ
Thánh Kinh Chân Trời Rộng – Bình An Thiên Lộ
Tác phẩm đang thực hiện:
- Mười Bàn Chân – Thi tập, Bình An Thiên Lộ.
 
 
 
a
 
 
 
LỜI CẢM NIỆM VỀ
CỐ ÐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN QUANG,
ÐỆ TỨ TĂNG THỐNG GHPGVNTN
 
 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Ðức Tăng Ni,
Kính thưa Quý vị đại diện các đoàn thể, quý cơ quan truyền thông báo chí,
Kính thưa Quý Ðồng hương, Ðồng bào Phật tử, quý anh chị em huynh trưởng và đoàn sinh Gia Ðình Phật tử,
Nói đến công hạnh hoằng hóa của một bậc cao Tăng thạc đức như Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Ðức Ðệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN, là nói đến hạnh nguyện Bồ Tát, mang hành trang hóa độ vào đời ác năm trược để phụng hành hạnh nguyện lợi tha, vì hạnh phúc cho con người, vì sự bình an của muôn loài khắp chốn. Hạnh nguyện ấy, lòng Từ bi ấy chính là chất liệu sống làm đẹp cuộc đời. Ngài là đóa Sen tươi nhuận trong lò lửa đỏ của thời đại. Ngài là viên ngọc quý lăn lóc giữa đám sình lầy lau lách tanh hôi. Nhưng đóa Sen ấy, viên ngọc ấy chẳng nhiễm mùi bùn của thế tục. Ngài vẫn thẳng thắn vững vàng trước thế lực vô minh gian ác. Ðó là khí phách của Ðại Hùng, Ðại Lực, Ðại Từ bi, mà cũng là Ðại Bi tâm rực sáng giữa vòm trời vô minh, tăm tối, để làm sống dậy mọi tấm lòng phụng hiến kính dâng từ chư Tôn Ðức Tăng Ni cho đến tín đồ Phật tử.
Qua bao nhiêu triều đại, cơ đồ của thế nhân, có hưng thịnh, có suy vong, có huy hoàng, có tàn lụi, nhưng hình ảnh của Ngài vẫn sừng sững như cội Ðại thọ ngàn năm hiên ngang cùng sương gió, rễ vẫn bám sâu vào lòng đất quê hương, thân vẫn rắn rỏi, vững chắc cùng dân tộc và cành nhánh lá vẫn sum xuê tươi mát che rợp bóng cho Ðạo pháp, cho quê hương giống nòi Việt Nam, trong lúc nhiễu nhương nguy biến. Tánh đức đó, hùng tâm đó, Ngài đã vượt qua bao nhiêu gian khổ, tù đày nghiệt ngã của những lực manh động của thế gian. Ngài giữ tâm thanh thản an nhiên của một bậc xuất trần vi Thượng Sỹ.
Hôm nay chúng ta, chư Tôn Ðức Tăng Ni, Cộng Ðồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và môn đồ pháp quyến thành kính trang nghiêm cử hành chương trình Ðại Lễ Tưởng Niệm Ðại Lão Hòa Thượng để noi gương công hạnh hóa độ cao dày, mà Hòa thượng đã một đời hy hiến cho sự trường tồn của Ðạo pháp của Giáo Hội Thống Nhất, và sự hưng thịnh thái bình cho quê hương dân tộc Việt Nam. Chúng ta tưởng niệm công hạnh của Hòa thượng như tưởng niệm hình bóng của một bậc thạch trụ thiền gia, long tượng thạc đức, một thời đã dày công xây dựng, kiến tạo ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam huy hoàng. Hòa thượng đã viết nên dòng lịch sử kiêu hùng bất khuất trước những thế lực cuồng vọng của thời đại. Hòa thượng là dấu ấn Ðại Hùng, là điểm son Ðại Bi của dòng sử mệnh Phật Giáo Việt Nam hôm nay.
Những cảm niệm thô lậu của hàng hậu học, ngưỡng nguyện giác linh Hòa thượng thùy từ chứng giám, gia hộ cho tất cả Tăng tín đồ Phật Giáo Việt Nam hải ngoại chúng con, vững bước theo chân của Hòa thượng để cố gắng hoàn thành những Phật sự thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.
Tánh đức, công hạnh của Hòa thượng là tấm gương sáng muôn đời cho mọi người soi chung.
Thành kính cung tiễn Hòa thượng cao đăng Phật quốc, liên hoa đài thượng, thượng phẩm thượng sanh, hồi nhập bất nhị môn, phân thân hóa độ, đem niềm bình an tịnh lạc đến cho pháp giới chúng sinh, tất cả đều trọn thành Phật đạo.
Chân thành kính cảm ơn chư Tôn Ðức Tăng Ni và toàn thể chư vị Thiện nam Tín nữ Phật tử.
Sa Môn Thích Chơn Thành
 
 
 
DIỄN VĂN BẾ MẠC ÐẠI HỘI BẤT THƯỜNG CỦA
CỘNG ĐỒNG PGVN TẠI HOA KỲ NGÀY 11 VÀ 12/1/2008
 
 
Kính bạch chư Tôn Ðức Tăng Già
Thưa toàn thể Phật Tử
Trong hơn bốn tháng qua, chúng ta đã trải qua những ngày bồn chồn, những đêm trằn trọc. Một vùng mây đen từ đâu đến bao phủ trên bầu trời Phật Giáo. Chúng ta cảm thấy nhức nhối, mệt mỏi, chán chường,  không muốn nói, không muốn cười, không muốn suy tư. Chúng ta sống trong tình trạng tê liệt: nghi ngờ, phân hóa, thất vọng ê chề.
Có người đến hối thúc tôi đứng lên, cố gắng cùng với những người bạn đạo kiến tạo lại ngôi nhà Phật Giáo. Tôi nghe lời thúc hối có vẻ mỉa mai. Làm sao có thể kiến tạo lại ngôi nhà Phật Giáo đã quá dột nát như thế này, trong khi nhiều người khuyên tôi lo tu đi, đừng mong đội đá vá trời...
Nhưng ngày hôm nay, vào giây phút này, quí vị đã làm được những gì mà đa số cho là không thể làm được. Quí vị đã từ gần, từ xa  trong một thời gian ngắn, qui tụ lại, sát cánh cùng nhau làm việc như muốn nói: “Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, xây dựng đạo hạnh đừng cầu không bị ma chướng. Không hoạn nạn thì lòng kiêu cang dễ nổi dậy. Không ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.”
Quí vị ngồi chung lại với nhau, cùng nhau tái tạo ngôi nhà Phật Giáo không phải riêng cho quí vị mà cho những người bạn đạo của quí vị và để tỏ lòng tri ân đối với Phật, với chư Tổ, với những bậc đàn anh, với đàn na thí chủ. Quí vị tái tạo ngôi nhà Phật Giáo vì quí vị tin tưởng rằng người con Phật nếu đầy đức tin, đầy kiên trì, thì có thể làm bất kỳ những gì mong muốn.
Một mai đây, khi hồi tưởng lại, quí vị sẽ cùng nhau nói: nơi đây, vào thời điểm này, quí vị đã tạo nên lịch sử, quí vị đã mang lại hy vọng trong thất vọng, an bình trong nguy biến,  bình tĩnh trong hỗn loạn. Quí vị đã vượt qua đoạn đường khó khăn nhất của lịch sử Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại: đem đoàn kết trong chia rẽ, đem tình thương trong hận thù, đem bao dung trong cục bộ. Quí vị không để cho tình trạng Phật Giáo ngày càng lún sâu vào nghi kỵ, phân ly. Quí vị nhập cuộc. Hy vọng không ở ngoài ta mà ở trong ta, trong cõi lòng sâu thẳm của chúng ta. Nó đang chờ đợi chúng ta nếu chúng ta có can đảm dang tay ra đón nó, phấn đấu cho nó. Phấn đấu cho một thế giới Phật Giáo sáng lạn hơn, phản ảnh sự mong đợi của Tứ Chúng đệ tử.
Kính bạch chư Tôn Ðức Tăng Già,
Thưa toàn thể Phật tử,
Ngày hôm nay chúng ta đã chứng minh cho mọi người thấy vận mệnh của Phật Giáo vẫn còn nằm trong tay của chúng ta. Tuy bị tước đoạt tất cả, chúng ta vẫn còn có thể mang lại niềm tin, mang lại sự hài hòa trong sáng của giáo lý Phật đà. Những gì xảy ra hôm nay sẽ lan tràn khắp năm châu, bốn biển, làm nhịp cầu nối liền những người con Phật đang mong đợi sự hài hòa, dung di, cưu mang.
Phật dạy: “Lấy hoạn nạn làm giải thoát, lấy người chống đối làm nơi giao du”. Vì vậy đối với chúng ta mọi người qui y Tam Bảo đều là đệ tử Phật, đều là đạo bạn. Mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có hy vọng chứng thành đạo quả. Con đường của chúng ta đi thênh thang, đầy hoa lá. Có những đoạn gồ ghề, có những nơi bằng phẳng, đó là vẻ đẹp của thiên nhiên cần được trân quí.
Con đường của chúng ta đi dài thăm thẳm. Chúng ta sẽ tiếp tục đi. Ðôi lúc dừng chân để cùng nhau dưỡng sức, đổi trao kinh nghiệm, rồi tiếp tục lên đường.
Chúng tôi hy vọng sẽ gặp lại quí vị sau một thời gian ngắn trong Ðại Hội Khóang Ðại vào tháng 9 năm nay. Trong thời gian chờ đợi, cầu chúc chư Tôn Ðức Tăng Già, chư Phật Tử thân tâm thường an lạc, tinh tấn, dõng mãnh. 
Trân trọng kính chào toàn thể quí liệt vị.
 
HT Thích Chơn Thành.

No comments:

Post a Comment