HOẰNG PHÁP 26: THÀNH CÔNG.
1. Một giảng sư thành công
Nếu ta có duyên phước từ đời trước, nếu ta biết nổ lực trong đời này, ta sẽ có những thành công nhất định trong sự nghiệp hoằng pháp diễn giảng. Được gọi là thành công khi các bài giảng của ta được nhiều người đón nhận, khen ngợi và giới thiệu lẫn nhau.
Ngày xưa, hội chúng chỉ nghe giảng sư thuyết một lần duy nhất, ít khi được nghe lập lại. Họ nhớ được bao nhiêu thì nhớ, còn không thì quên. Nếu may mắn nghe một bài pháp hay, họ được cái cảm xúc lúc đó, đến khi ra khỏi hội trường, chỉ còn nhớ vài ý chính. Nhưng rồi họ cũng giới thiệu về vị giảng sư lỗi lạc kia, nói về đạo lý kia, cho nhiều người cùng biết. Chính vì lệ thuộc vào cảm xúc và trí nhớ của những người nghe nên sự giới thiệu hoặc truyền bá bài giảng rất hạn chế.
Ngày nay, nhờ phương tiện kỹ thuật cao, bài giảng được ghi lại trên các loại hình như Tapes, CD, Memory stick, Hard drive, Server... Nếu không nhớ, người ta có thể mở máy ra nghe đi nghe lại bài giảng đó nhiều lần. Họ cũng có thể đem các loại phương tiện truyền thông Multimedia điện tử như thế giới thiệu cho các bạn bè, gia đình thân quyến khiến cho nhiều người được nghe thêm. Thật ra, số người được nghe trực tiếp bài giảng rất ít, hầu hết người ta được bài giảng trở lại qua các phương tiện truyền thông Multimedia. Với các kỹ thuật Multimedia hiện đại, bài giảng được lưu bố vô biên, được lưu giữ vô thời hạn. Sự giới thiệu truyền bá bài giảng thật là tiện lợi.
Chính vì thế, ngày xưa sự thành công của giảng sư không đáng kể, còn ngày nay, sự thành công của giảng sư là bùng vỡ mênh mông.
Giảng sư ngày nay, nếu có những bài giảng hay, được ghi lại trên các Multimedia Record, được lưu bố rộng rãi, sẽ được rất nhiều người biết đến. Danh tiếng cho một giảng sư giỏi của thời đại hôm nay là vô cùng lớn lao. Chính vì danh vọng chất ngất như thế nên sự nguy hiểm cũng bội phần nặng trĩu. Ta không thể biết trước sự nghiệp hoằng pháp của ta có thành công hay không, nhưng ta phải chuẩn bị trước tinh thần nếu mai này lỡ xui, ta được thành công rực rỡ thì ta phải có những tâm hạnh gì, những thái độ gì để ứng xử cho thích hợp. Dĩ nhiên ta không muốn kiêu ngạo, ta không muốn khinh người, ta không muốn đánh mất đạo đức, nhưng sức ép của danh vọng luôn dồn ta vào ngõ cụt đó, luôn dồn ta đi vào sự kiêu hãnh và hưởng thụ. Nếu không có một đạo tâm vững chắc, một trí tuệ tỉnh táo tinh tường, ta sẽ tự giết chết sự nghiệp diễn giảng hoằng pháp của mình không bao lâu.
Sự thất bại của ta sẽ là sự đổ vỡ đạo tâm của rất nhiều người trong cuộc đời, nhất là những người đã từng thần tượng ta, từng quý kính ta. Do vậy, tội của ta sẽ là rất nặng. Ngay từ bây giờ, dù chưa thành công, ta phải chuẩn bị trước các hành trang,"vũ khí" để chiến đấu với... chính mình sau này. Kẻ thù nguy hiểm nhất lúc
đó sẽ là chính ta.
2. Hệ quả và khắc phục
Thành công đẻ ra các hệ quả tâm lý bất thường. Các hệ quả tâm lý bất thường đó làm mất đi sự cao đẹp của hình ảnh một vị giảng sư. Ta sẽ nhận định rõ để... chiến đấu.
Kiêu mạn sẽ là hệ quả đầu tiên khi ta thành công. Thật vậy, sau khi thành công, bất cứ lĩnh vực nào, con người vẫn dễ bị bệnh kiêu mạn. Những ca sĩ được nhiều người ái mộ hay bị bệnh sao, nghĩa là ngang tàng, bướng bỉnh, bắt người khác phải chìu mình, đỏng đảnh, vòi vĩnh, lên giá... làm những người cộng tác rất khổ sở. Ta cứ tưởng hễ làm nghệ sĩ thì ai cũng ngang ngang một chút cho vui, đâu ngờ rằng cái ngang ngang đó là hệ quả của lối sống cảm tính, được người ái mộ.
Một số doanh nhân thành đạt cũng bị bệnh kiêu ngạo, thay đổi tính cách, khinh người hơn, hách dịch hơn.
Giảng sư có những bài giảng được ca tụng cũng sẽ bị hệ quả tương tư, dù kín đáo hơn một chút. Ta sẽ cho mình là trí tuệ tài giỏi, nghĩ rằng bao nhiêu người khác thua kém mình, cho rằng thiên hạ phải học hỏi với mình, cho rằng mình là biểu trưng của thời đại v.v...
Sở dĩ ta kiêu mạn chỉ bởi vì ta trí tuệ ta ít quá, không hình dung nổi trí tuệ của các bậc thánh như thế nào. Nếu có trí tuệ thêm một chút, hình dung ra được trí tuệ của thánh, ta sẽ ngượng ngùng, hỗ thẹn vì biết mình chưa bằng ngón chân của các ngài.
Hậu quả của tâm kiêu mạn thật là khủng khiếp. Ta sẽ bắt đầu rơi từ thất bại này đến thất bại khác, trí tuệ ta sẽ giảm sút nhanh chóng, tâm thần ta sẽ bất ổn dần dần, có khi bị điên hẳn luôn. Vì vậy, để chuẩn bị đón sự thành công lớn lao ở tương lai, chúng ta hãy vui lòng tiêu diệt tâm kiêu mạn trước đã. Ta phải hình dung được sự siêu phàm của các bậc Thánh mà cả nghìn kiếp nữa ta chưa chắc bằng được. Nhờ vậy ta sẽ bớt được tâm kiêu mạn khi được nhiều người ca tụng.
Còn đối với hàng hậu học kém hơn ta thì ta phải có tâm thương yêu dìu dắt chứ không được có tâm xem thường. Sẽ nói thêm phần sau.
Sự hưởng thụ cũng làm ta mất phước. Điều này đã được nói ở bài trước nên bây giờ không lập lại nhiều.
Tâm lý sợ người khác vượt lên bằng hoặc hơn mình cũng là một loại tâm hẹp hòi bất thiện mà ta phải khắc phục.
Con người hay thích độc quyền trong thành công, không muốn có người khác cũng thành công như vậy. Đó là sự ích kỷ cố hữu tồi tệ của con người. Ta phải diệt trừ tâm lý bất thiện đó một cách triệt để, vì nếu không, ta sẽ là người cản đường đàn em tiến lên. Ta phải khắc phục tâm lý bất thiện đó bằng cách hằng ngày cầu nguyện cho có nhiều người giỏi hơn ta sẽ bước ra gánh vác chuyện Phật Pháp khiến cho Phật Pháp được hưng long, chúng sinh được lợi ích.
Tệ chê bai giảng sư khác cũng là một điều nhức nhối trong Phật Pháp. Khi chưa có tiếng tăm, ta khiêm tốn kính trọng các giảng sư khác. Đến khi có chút tiếng tăm rồi, ta bày đặt chê bai vị này vị kia để muốn giành phần hơn cho mình. Tệ nạn đó làm Phật Pháp bị chia rẽ và suy yếu, và dĩ nhiên, ta cũng hết phước nhanh chóng luôn. Đối trị với tệ này, ta phải phát nguyện tôn trọng và hỗ trợ các giảng sư khác cùng làm Phật sự dù là chưa biết mặt nhau hay đã quen biết nhau.
3. Trách nhiệm nhiều hơn
Ngoài việc khắc phục các tâm lý bất thiện nảy sinh sau khi thành công, ta còn có nhiều trách nhiệm phải làm đối với Phật Pháp. Thành công có nghĩa là trách nhiệm nhiều hơn chứ không phải hưởng thụ nhiều hơn. Vì sao, bởi vì ta còn phải làm vô lượng công đức cho đến ngày viên mãn Phật quả chứ không được tự mãn giữa đường. Người vội vàng hưởng thụ vì không nhận ra được rằng còn có một mục đích lớn lao ở phía trước mà chỗ đến hiện tại chỉ là một nhúm cát bụi bọt bèo.
Hơn nữa, sự thành công của ta còn là sự góp công của biết bao người phía sau. Nào là sư trưởng thầy tổ, nào là huynh đệ đồng môn, nào là đàn na tín thí, nào là môi trường của xã hội và giáo hội, nào là cha mẹ gia đình, và cao hơn cả là sự gia hộ của Tam Bảo. Mang ân nghĩa của biết bao người, ta phải có trách nhiệm lo cho Phật Pháp nhiều hơn để đền đáp các công ơn trời biển đó chứ không được quyền hưởng thụ.
Hỗ trợ cho các pháp sư chân chính khắp nơi là trách nhiệm hàng đầu của một giảng sư khi đã thành công. Song song với ta còn rất nhiều pháp sư Phật học cũng đang ngày đêm hoằng truyền chánh pháp, có những vị đã thành công, có những vị chưa thành công. Nếu ta đã thành công rồi thì bổn phận của ta là phải hỗ trợ cho các giảng sư đó dù ta chưa hề gặp mặt. Dĩ nhiên ta chỉ ủng hộ những vị giảng đúng với chánh pháp chứ không ủng hộ tràn lan mà mang tội. Khen không đúng người cũng mang tội (Nikaya).
Khi đã xác định đó là một giảng sư chân chính rồi thì thỉnh thoảng có dịp ta nên đưa ra vài lời ca ngợi để ủng hộ tinh thần cho các vị giảng sư đó. Thái độ như thế khiến cho Phật giáo ngày càng đoàn kết hơn.
Hoặc có khi ta nhường hội giảng của ta cho vị đó để cho thay đổi không khí, khiến thính chúng sẽ bất ngờ hoan hỷ hơn.
Hoặc khi có dịp trao đổi với nhau, ta cũng nên đề nghị vị đó những điều cần thiết trong kinh nghiệm diễn giảng, hoặc đề nghị vị đó giảng những đề tài thích hợp tại khu vực của vị đó. Dĩ nhiên ta cũng khiêm tốn học hỏi những cái hay của vị đó mà mình chưa có.
Nếu gặp Phật tử gần nơi sinh hoạt của vị đó, ta cũng nên khuyến khích Phật tử tìm đến nghe vị đó giảng thuyết v.v...
Nói chung cách ta hỗ trợ lẫn nhau là như thế một khi ta đã có tiếng nói trong lòng của quần chúng. Đó thật là một đạo Phật tuyệt vời cao cả.
Tận tình dìu dắt đàn em mới thật sự là nhiệm vụ của người đã thành công.
Lúc nào ta cũng phải mong ước trong lòng là sẽ có người đến sau ta, vượt lên hơn ta, tu tập tốt hơn ta, thuyết giảng giỏi hơn ta, làm rạng danh Phật Pháp nhiều hơn ta, đem lại lợi ích cho chúng sinh gấp bội lần ta. Nếu ta không có điều mơ ước đó ở trong lòng mình thì ta chưa xứng đáng là đệ tử của Phật. Ngược lại, nếu ta trù dập đàn em, không cho đàn em phát triển thì ta đúng là kẻ phá hoại Phật Pháp. Như vậy, sự nghiệp hoằng pháp của ta sẽ không thành công lâu, ngày lụi tàn sẽ xuất hiện.
Muốn dìu dắt đàn em thì trong khi làm công việc hoằng pháp diễn giảng, ta phải thường xuyên rút ra những nguyên tác, phương pháp, lý luận, kinh nghiệm của công tác đó. Những điều rút ra được sẽ được tích lũy dần để trở thành sách giáo khoa hướng dẫn cho đàn em. Những khi hướng dẫn Tăng Ni về công tác hoằng pháp diễn giảng, ta phải hết lòng tỉ mỉ giúp cho Tăng Ni nắm vững vấn đề để tránh những sai lầm vấp ngã trên đường đi.
Nếu ta có duyên làm công tác giáo hội thì cố gắng tổ chức các khóa đào tạo cán bộ hoằng pháp diễn giảng thường xuyên để nâng cao trình độ của Tăng Ni trong việc hoằng pháp.
Ta nên khuyến khích Tăng Ni tìm về các vùng sâu vùng xa để giáo hóa vì ở những nơi ấy rất thiếu thốn đạo lý. Song song với việc khuyến khích Tăng Ni về giáo hóa vùng sâu vùng xa, ta phải có biện pháp hỗ trợ về đời sống vật chất để Tăng Ni bớt vất vả. Ta phải tạo thành một nề nếp mới trong đạo Phật là, nếu nghe nói ai là Tăng Ni đến từ vùng xa thì ta phải quý mến, ưu tiên, dành mọi sự giúp đỡ cần thiết. Phật tử cũng phải có thái độ như thế. Các chùa thì lại càng phải đậm đà hơn trong việc ưu ái cho Tăng Ni đến từ vùng xa. Nhờ thái độ ưu ái này mà từ đây Tăng Ni ra trường sẽ có sức mạnh để đi về miền xa làm công tác hoằng pháp cho Giáo hội.
Nơi vùng xa, Tăng Ni sẽ có dịp đối mặt với các khó khăn thử thách để giữ giới hạnh trong sạch, kiên cường vượt qua gian khổ để giáo hóa chúng sinh, nhất là anh em đồng bào sắc tộc thiểu số. Nhờ kinh qua trong gian khó mà Tăng Ni được tăng trưởng công đức, bản lĩnh dày dạn, đóng góp được nhiều đối với Giáo hội hơn.
Nhưng điều quan trọng trong việc khuyến khích Tăng Ni đi về miền xa vẫn là sự quan tâm giúp đỡ của các vị tôn túc trưởng thượng. Tâm của những vị trưởng thượng phải luôn hướng về vùng xa, nơi có những đàn em của mình đang phải vất vả gian nan đem hạt giống lành của đạo lý mà gieo rắc khắp nơi.
Những ai đã thành công rồi thì phải dìu dắt đàn em như thế, trong đó, tạo điều kiện cho Tăng Ni đi thật xa để có cơ hội giáo hóa và đối diện nhiều gian khó, và phải giúp đỡ Tăng Ni hoàn thành nhiệm vụ.
Nghĩ đến vận mệnh Phật Pháp lâu dài là trách nhiệm của những pháp sư thành công. Những bài giảng của ta không còn là chỉ để đáp ứng nhu cầu tu học trước mắt của thính chúng nữa, mà thực sự phải nằm trong sách lược xây dựng Phật Pháp lâu dài về sau. Ta phải lường trước những năm tháng tới thế giới sẽ đi về đâu, các tôn giáo bạn sẽ phát triển như thế nào, tình hình xã hội sẽ chuyển biến theo hướng nào... để chuẩn bị cho các giáo lý thích hợp.
Đặc biệt ta phải chú trọng tới thế hệ trẻ, những người còn nhiều thời gian để sống và tu hành. Lớp trẻ cần được định hướng tốt để sống và tu và giữ gìn Phật Pháp. Thiếu lớp trẻ biết Phật pháp thì xã hội sẽ kém đạo đức, đạo Phật không có người kế thừa phát huy. Vì vậy, những bài giảng liên quan nhiều tới lớp trẻ phải được tuyên giảng thường xuyên.
Ta cũng chú ý tới lớp trí thức vì đây là lớp người có khả năng đang đóng góp nhiều cho xã hội. Nếu tầng lớp trí thức hiểu đạo thì họ sẽ đóng góp tốt hơn cho đạo cũng như cho đời. Các bài giảng dành cho tầng lớp trí thức phải rất sâu sắc, hợp lý, đủ kiến thức, và cũng rất đầy đạo vị.
Ta cũng chú ý tới lớp người lớn tuổi, giúp cho họ biết tu hành phù hợp với tuổi tác nhưng không đi vào thụ động, lạc hậu, mê tín. Họ là biểu tượng của sự chín chắn, là những tấm gương đạo hạnh cho con cháu noi theo. Họ là niềm thương yêu trong một xã hội có đạo đức. Nơi xã hội có đạo đức, người già phải được lớp trẻ thương quý kính trọng. Họ cũng cần tu hành đúng hướng để chuẩn bị cho sự ra đi an lành không còn xa. Tuy lớn tuổi, người già cũng cần được hỗ trợ để tiếp tục làm các công đức cho đời chứ không chỉ nghĩ tới ngày chết và tìm về nơi sung sướng. Còn làm được gì cũng phải làm để góp phần xây dựng Phật Pháp nơi cõi này, và lấy đó làm công đức hành trang cho mai sau.
Ta cũng nghĩ tới những vùng đồng bào sắc tộc xa xôi chưa có cơ hội biết nhiều về Phật Pháp mà có định hướng giáo hóa thích hợp. Giáo lý đó vừa phù hợp với tâm tình đồng bào, vừa đưa đồng bào tiến lên dần với đời sống văn minh tiến bộ. Đạo Phật phải "phủ sóng" khắp 61 tỉnh thành, mọi lúc mọi nơi không sót một chỗ nào.
Ta cũng không quên nghĩ tới các đất nước anh em chưa biết nhiều về Phật Pháp mà có sự chuẩn bị dần dần. Ta phải khuyến khích Tăng Ni học ngoại ngữ thật giỏi để sau này có cơ hội là đưa Phật Pháp đến với các đất nước anh em trên thế giới. Thật ra hiện nay Phật giáo Việt Nam có nền đạo lý vững chắc hơn nhiều nước trên thế giới. Nếu ta khéo sắp xếp tổ chức thì sau này nhiều người sẽ tìm về Việt Nam để học giáo lý chứ không phải Tăng Ni Việt Nam ra ngoài học lấy bằng nữa.
Một khía cạnh nho nhỏ nhưng cũng làm ta vất vả là khi ta thành công thì sẽ có nhiều người muốn gặp ta để hàn huyên đàm đạo thăm viếng. Nếu ta không tiếp thì bị cho là cao ngạo khinh người; nếu ai ta cũng tiếp thì ta sẽ không còn thời gian nghỉ ngơi, soạn bài, nghiên cứu, tu hành để tiếp tục giảng giải nữa. Đây là điều rất khổ tâm. Người khỏe mạnh thì không nói gì, người ốm yếu mà bắt tiếp khách hoài thì một tháng sau về với Phật sớm.
Sự cân đối thời gian giữa việc giao tiếp với bên ngoài và việc tu hành bên trong thật là khó khăn. Ngoài ra có khi vị giảng sư đó đồ chúng phải dạy dỗ hướng dẫn nữa. Càng thành công chừng nào, ta càng hiếm thời gian chừng nấy. Thời gian thì ít, sức khỏe thì bắt đầu kém, công việc thì tăng lên, sự đòi hỏi của Tăng Ni Phật tử đối với mình sẽ nhiều hơn... thật là khó sắp xếp cho vẹn toàn. Lúc này chỉ có một cái dư thừa, đó là thức ăn, nhưng tiếc là lớn tuổi rồi không ăn được nhiều nữa.
Nội dung bài học này cho Tăng Ni một sự chuẩn bị tinh thần để không bị tự mãn vô trách nhiệm hay mất đạo đức một khi sự nghiệp hoằng pháp của mình bắt đầu thành công. Ta còn phải cố gắng rất nhiều vì con đường đi đến Phật quả còn rất xa, con đường hóa độ chúng sinh còn mênh mông chưa biết đâu là bờ bến...
Bài tập cho lần này là Tăng Ni sẽ thuyết trình 15 phút vào máy, sẽ làm gì nếu sau này không thành công nhiều, sẽ làm gì nếu sau này thành công lớn. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.1/10/2014.
No comments:
Post a Comment