Thông thường người ta thường dạy cách nói chuyện trước quần chúng thế nào để hấp dẫn người nghe, gọi là nghệ thuật diễn giảng. Tôi không phủ nhận cách này, nhưng theo tôi, đó không phải là chính yếu. Chúng ta biết nghệ thuật giảng để giúp cho người dễ hiểu, nhưng phần cốt lõi mới quan trọng hơn. Sự thật này được chứng minh qua hình ảnh các vị tôn túc không nói pháp, nhưng được nhiều người kính trọng. Các Ngài không thuyết pháp bằng ngôn ngữ nhưng thuyết được pháp ngữ của chư Phật, tức thể hiện pháp Phật trong ba nghiệp thanh tịnh của chính các Ngài.
Vì vậy, một giảng sư nói năng hay yên lặng cũng là chánh pháp. Chánh pháp đã được thể hiện trong suy nghĩ, trong hành động là chính, còn lời nói chỉ là phụ. Từ đó, chúng ta thấy có Thầy luyện được giọng nói thuyết phục, nhưng người không tin theo, thậm chí có theo thì cuộc đời họ cũng không khá được. Nếu làm như vậy là rời vào sai lầm lớn của người thuyết pháp.
Nói một bộ kinh hay dẫn lời Phật thì bộ kinh, lời dẫn đó trước nhất đã thể hiện trong cuộc sống chúng ta . Không như vậy, là phạm tội phá pháp, quý thầy cô phải lưu tâm ý này.
Khi tuyển giảng sư, trước nhất là xét về ngoại hình hay điệu bộ phải có sức thuyết phục để người tin tưởng. Thật vậy, người nhìn thấy ta trước tiên là thấy hình tướng bên ngoài dễ có cảm tình hay không. Nếu ngoại hình khó coi là vì nhiều đời đã tạo tội ác. Người thấy ta không tốt, không có hảo tướng thì khó có thể thuyết phục họ. Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, hay nói cách khác, nhìn ở khía cạnh nào cũng thấy Ngài hoàn hảo và Ngài nói ra lời gì cũng thấy hay. Đó là Đức Phật đã thuyết pháp bằng tùy hình hảo, bằng hảo tướng.
Trong kinh Bảo Tích, Đức Phật dạy các Bồ tát tu tùy hình hảo trước và tiến lên tu hạnh hảo tướng. Theo Phật, làm được 1.000 công đức mới sanh được một tùy hình hảo. Không làm được công đức, không thể hiện tùy hình hảo nào cả. Thực tế cho thấy người có ngoại hình xấu xí, nhưng một lòng công quả, tụng niệm, lễ bái, tạo được nhiều công đức của họ.Trái lại, dù có bề ngoài đẹp, nhưng người thấy họ ăn hại, cũng không chấp nhận hoặc chỉ chấp nhận tạm thời còn về lâu dài thì người càng xem thường, ghét bỏ.
Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi ở Phật học đường Nam Việt, tuy vóc dáng Ngài nhỏ, nhưng đó là bậc Thầy mô phạm nhất. Công đức của Ngài quá lớn, nên tất cả quý Thầy từ nhỏ đến lớn đều hết lòng kính trọng Ngài. Ngài dạy rằng người kính trọng là kính trọng tùy hình hảo của Ngài. Tùy hình hảo của Ngài ở chỗ nào? Không ai phủ nhận được cây thang giáo lý của Hòa Thượng Thiện Hoa mà Ngài đã tu học và biên soạn để lại cho những người học Phật sau này. Ta nhìn Ngài là nhìn các cách Phật học có giá trị mà Ngài đã biên soạn, nghĩ về Ngài là nghĩ đến bậc Thầy đức hạnh. Tất cả những công đức này hợp thành tùy hình hảo của Ngài.
Hoặc tôi kính trọng Hòa Thượng Thiện Hòa cũng từ kính trọng tùy hình hảo của Ngài là Ngài đã hết lòng lo cho đạo, cho chúng, không hề lo bản than, làm sao mà chúng không thương. Ngài tự rèn luyện bản thân, khắc phục được các nhược điểm, mà nhược điểm lớn nhất của con người là tham sân si, phiền não.
Tôi nhớ xưa kia Hòa thượng Thiện Hoa dạy các giảng sư, nay tôi nhắc lại cho các anh em hiểu rằng việc đầu tiên của tất cả giảng sư là phải có ý thoát ly, tức hy sinh mọi quyền lợi của bản than mình cho đạo pháp. Không có ý thoát ly mà làm trụ trì hay chức vụ gì khác, thì việc hoằng pháp của chúng ta không thể thành tựu mỹ mãn.
Ý này cũng vừa được Hòa thượng Hiển Pháp nhắc nhở các Tăng Ni tự viện không làm công việc hoằng pháp thì phải làm nhiệm vụ hộ pháp. Theo Hòa thượng, mỗi vị trụ trì có thực lực phải hỗ trợ cho một giảng sư thoát ly, vì giảng sư còn kẹt tự viện, chắc chắn không thể phát huy khả năng được.
Theo tâm huyết của Hòa thượng Thiện Hoa, một sứ giả Như Lai, tức giảng sư không nghĩ đến ba việc: ăn, mặc, ở, chỉ lo trau dồi trí tuệ, suy nghĩ xem nơi nào chúng sanh cần thì sẵn sang đến và điều gì chúng sanh cần thì phải đáp ứng.
Trên bước đường tu, giảng sư phải luôn suy nghĩ ý này, những điều chúng sanh cần mà chúng ta không có thì phải lo học, tu cho có được cái chúng sanh cần và nói cái chúng sanh cần. Được như vậy, việc hoằng pháp chắc chắn thành công, chúng ta đến với người, đương nhiên họ hoan hỷ, nghĩa là chúng ta đã mang lại niềm vui cho người, đó mới thực sự là người thuyết pháp. Đừng nghĩ rằng học khóa giảng sư rồi Ban Hoằng pháp có bổn phận đưa các anh em đi thuyết pháp và người phải nghe theo.
Tôi luôn tâm niệm tạo điều kiện cho tất cả giảng sư thoát ly được và ngược lại, quý vị cũng phải phát huy năng lực mình để đáp ứng yêu cầu này. Có vị giảng sư đổ thừa rằng tại họ thiếu điều kiện này, không có điều kiện kia nên không thuyết pháp được. Tôi trả lời rằng xưa kia có điều kiện nào, tôi tự tạo điều kiện cho tôi.
Các Thầy cô muốn tạo điều kiện thì nhứt định phải có trí tuệ. Như đã nói, những gì chúng sanh cần thì ta phải có, không thể khác. Đối tượng của chúng ta thuyết pháp là chúng sanh và ta là người đáp ứng yêu cầu của họ, đó là điều quan trọng để người chấp nhận chúng ta.
Ngoài ra, chúng ta đã có điều kiện một, nhưng vẫn chưa làm được vì còn phải biết điều kiện hai là luật pháp hay chính quyền cũng quan trọng không kém. Vì ậy, tôi luôn cân nhắc những gì chúng sanh cần, nhưng chính quyền không cho phép. Mâu thuẫn này luôn tồn tại trong mọi xã hội mà giảng sư cần nhận cho rõ. Những điều nhân dân không đồng tình về luật pháp hay chính quyền, ta nói thì được quần chúng ủng hộ ngay, nhưng làm như vậy, chúng ta vi phạm pháp luật, phải bị tù tội.
Theo tôi, là đệ tử Phật, việc chính yếu phải mang an lạc cho người. Chúng ta phải giải tỏa được mâu thuẫn này, thì ta thuyết pháp của Phật mới làm cho người an được. Còn đã mâu thuẫn mà chúng ta làm mâu thuẫn thêm là sai lầm hoàn toàn. Khi họ đang sân si, ta nói đúng với cái bực tức đó, làm cho họ giận thêm, chẳng khác gì lửa cháy đổ thêm dầu là việc làm của ác ma. Tuy được lòng người, nhưng tác hại cho họ và ta. Các thầy phải cẩn thận điều này. Ta nói điều người bằng lòng, nhưng điều ấy có đúng không . Vì vậy, Đức Phật dạy thêm rằng làm điều gì cũng phải có lợi và lợi ích lâu dài, không phải lợi trước mắt.
Cần khẳng định rằng việc thuyết pháp của chúng ta là hóa giải được mâu thuẫn của xã hội, không phải kích động thêm cho người phiền não. Làm cho người an lành, xã hội an vui là mục tiêu của giảng sư. Xưa kia Đức Phật tại thế, Ngài không hề gây mâu thuẫn giữa người này với người khác, không gây xung đột giữa nước này với nước khác. Trái lại, lịch sử đã chứng minh rằng Đức Phật đã hóa giải được sự thù hận, ý định chém giết nhau của hai quốc gia cùng tranh giành quyền lợi của một con song. Đặc biệt là Ngài đã hóa giải ý thức phân chia giai cấp trầm trọng của xã hội Ấn Độ thời xưa qua sự bình đẳng độ sanh của Ngài, cũng như trong sinh hoạt tu học của Tăng đoàn cùng thương yêu, giúp đỡ nhau.
Trở lại việc thuyết pháp, muốn thành công giảng sư phải trang nghiêm bản thân mình bằng tùy hình hảo. Tùy hình hảo được tạo thành bởi suy nghĩ thánh thiện, hành động lợi lạc cho người. Đức Phật trãi vô lượng kiếp tu Bồ tát đạo, tạo được vô lượng công đức nên chúng sanh thấy Phật là thấy tùy hình hảo, ở góc độ nào Ngài cũng trọn lành.
Giảng sư phải tu cho được tùy hình hảo, làm được một ngàn công đức mới có một tùy hình hảo. Nhưng có tùy hình hảo rồi cũng mất. Ví dụ có người được kính trọng trong quá khứ, nhưng hiện tại về hưu không làm được nữa, nên người cũng không nhớ đến họ, tùy hình hảo cũng mất. Muốn giữ được tùy hình hảo, quý thầy phải làm việc phước liên tục và việc sau phải cao hơn trước, để gián đoạn hoặc dừng lại coi như tất cả công đức chấm dứt.
Ngoài việc tạo phước đức, phải trang nghiêm trí tuệ, tức cái học của chúng ta cần đạt cho được vô lậu huệ học. Nghĩa là xã hội tiến triển thế nào, tầm nhìn của chúng ta vẫn chính xác, nếu không thì lỗi thời. Một giảng sư được quần chúng nghe theo một thời gian, rồi họ chán bỏ vì cứ lặp đi lặp lại mãi ý cũ, tư tưởng đã cùn mằn không có sức thu hút người nghe. Phát triển trí tuệ không dừng, xã hội mỗi ngày một thay đổi thì hiểu biết của giảng sư cũng phát triển thích nghi kịp thời.
Đức Phật hành Bồ tát đạo vô lượng kiếp để kiện toàn được tùy hình hảo, thể hiện qua 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, hay nhìn ở mặt nào cũng hoàn thiện.
Được như vậy mới đầy đủ tiêu chuẩn của người lãnh đạo ở vị trí Chuyển luân Thánh vương , tức lãnh đạo xã hội hay ngôi vị Pháp vương là Phật. Chúng ta theo Phật tất yếu cũng phải trãi qua quá trình tu tập như vậy.
Quý thầy cô đã qua được phần thi viết chứng tỏ có trình độ hiểu Phật pháp và văn phong chấp nhận được. Nhưng đến phẩn thi diễn giảng không đậu, không phải là dở, chỉ vì không đạt tiêu chuẩn về ngoại hình, giọng nói.
Chúng tôi mời các giảng sư có kinh nghiệm là những vị Hòa thượng có quá trình lâu năm trong nghiệp vụ hoằng pháp giảng dạy cho các an hem. Các Ngài truyền trao sở đắc về Kinh Luật Luận và anh em phải tiếp thu những gì người trước thành công. Quan trọng là các thầy cô phải học cho được cách trình bày và sức thuyết phục của quý Ngài như thế nào mà nổi tiếng. Các Ngài đã được quần chúng tín nhiệm, các anh em muốn được như vậy, tất yếu phải học theo.
Ngoài ra, có những vị hướng dẫn tuổi đời còn trẻ, nhưng hiểu biết của họ hơn các anh em. Đó là các thầy có học vị thạc sĩ, tirình tiến sĩ tốt nghiệp ở Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc để truyền trao kinh nghiệm cho các giảng sư về hiểu biết sinh hoạt Phật giáo của các nước ấy phát triển hay suy thoái như thế nào.
Trong chương trình có một môn học mà tôi nghĩ một số người thắc mắc , là môn thuật ngữ Phật học do Thượng tọa Thiện Tâm dạy. Thượng tọa là nhà sư chuyên về kinh điển Phật giáo Nam tông, tốt nghiệp cử nhân Anh văn và thạc sĩ văn chương nên Thượng tọa rất thông thạo về Pali và Anh ngữ.
Tôi đề nghị học thuật ngữ vì theo kinh nghiệm tôi lúc ra nước ngoài tiếp xúc với tu sĩ ngoại quốc, chúng ta cần thiết thuật ngữ Phật giáo bằng Anh ngữ. Nếu không, các anh em sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, sinh hoạt với giới Phật giáo thế giới, vì không thể hiểu họ và cũng không diễn đạt được ý tưởng của mình.
Môt số môn căn bản cần thiết khác cũng được giảng dạy để trong 2 năm, quý thầy cô nắm được toàn bộ những hiểu biết cần thiết cho việc truyền bá pháp Phật.
Môn học tôi dạy năm thứ nhất là kinh Pháp Hoa. Tôi không giảng kinh, nhưng hướng dẫn các anh em phương pháp giảng kinh. Phần hiểu nội dung kinh các anh em phải tự đọc. Về kinh Pháp Hoa có nhiều sách giảng của Hòa thượng Thanh Từ hay Hòa thượng Từ Thông và của tôi. Các giảng sư phải đọc tất cả sách này vì kinh là một, nhưng nhận thức của các giảng sư khác nhau, cách trình bày và thuyết phục cũng khác nhau. Tuy nhiên, đọc một tác phẩm, ta nhận được môt ý hay vì có hay thì mới có người theo. Ta nên lượm lặt tất cả ý hay.
Theo tôi, đọc càng nhiều càng tốt và nếu có khả năng, đọc thêm sách giảng pháp bằng các ngoại ngữ. Ví dụ quyển Phật giáo ngày nay của Hòa thượng Niwano đươc giáo sư Trần Tuấn Mẫn dịch ra tiếng Việt, đó chính là sách giảng sư về kinh Pháp Hoa. Vì theo Hòa thượng Niwano, kinh Pháp Hoa là nhận thức cuộc sống của con người, không phải là tác phẩm để nghiên cứu. Kinh Pháp Hoa là sự sống của con người kéo dài từ Đức Phật tại thế cho đến ngày nay, đó chính là cách hiểu kinh Pháp Hoa theo hướng mới.
Kinh Pháp Hoa là Phật giáo ngày nay, là hiện tại, hiểu như vậy rồi thì Phật giáo hiện tại tồn tại như thế nào, sống thế nào mà xứng đáng với danh nghĩa Phật giáo. Nói kinh Pháp Hoa ở hiện tại là đạt vấn đề nếu có Phật ở đây, ngày nay thì Ngài sẽ nói gì. Cách nhìn mới này đưa ý thức cần cân nhắc những gì Phật dạy ứng dụng cho thích nghi, lợi lạc với sự phát triển của loài người ở thời hiện đại.
Phật giáo Nhật phát triển mạnh vì luôn đặt vấn đề rằng Phật nói trong quá khứ, nhưng nhiều khi chúng ta lặp lại không tác dụng tốt, còn vô tình phá Phật.Vì Phật nói trong quá khứ, cho người đó, ở chỗ đó và gặp hoàn cảnh đó, cứng nhắc áp đặt pháp ấy cho người khác , có hoàn cảnh khác, ở nơi khác, vào lúc khác không thể đạt hiệu quả đúng. Thể hiện tinh thần này, Nhật Liên Thánh nhân chủ trương pháp Phật cần đáp ứng 4 tiêu chuẩn: Giáo, cơ, thời, quốc, tức câu hỏi đặt ra là Phật nói cho ai, ở đâu, lúc nào, vì lý do gì.
Tùy bệnh hay nghiệp của chúng sanh mà Phật đưa ra vô số pháp phương tiện thích ứng khác nhau, còn gọi là 84.000 pháp môn tu. Theo kinh Pháp Hoa, uống lầm thuốc tức dùng sai pháp thì không hết bệnh, lại chết. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ đã cho thấy ý này. Tinh ba Phật pháp rất tuyệt vời, nhưng đại luận sư Ấn Độ đã không sử dụng được, họ đã uống lầm thuốc, đưa đến hậu quả khốc liệt là phá tiêu đạo Phật là đạo tu chưngs chứng giải thoát, làm an lạc cho người. Vậy mà họ đã biến an lạc trở thành mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn nội bộ, nên trong chính giới Phật giáo không ai chấp nhận nhau. Từ thể thống nhất, họ đã chia rẽ thành nhiều bộ phái Phật giáo và tự tiêu diệt nhau, chưa nói đến sự phá hoại của Bà La Môn giáo. Chỉ sai lầm một chút là biến thuốc hay thành độc dược.
Thử nghĩ thời Phật tại thế đã có 94 tổ chức ngoại đạo và các luận sư thường chống phá lẫn nhau. Nhưng Ngài nhận rõ điều ấy và đã tập họp được các giáo chủ mạnh của ngoại đạo là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, 3 anh em Ca Diếp. Ngài đã chuyển đổi được những người luận sư chống phá này ngồi lại với nhau, giáo hóa họ trở thành hàng đệ tử thanh tịnh. Nghĩa là Ngài đã biến chất độc thành thuốc cứu người.
Biết sử dụng đúng pháp Phật thì cứu được người. Các anh em thuyết pháp cần lưu ý điều quan trọng là mình đang nói với học Tăng, với tín đồ hay với chính quyền hoặc ngoại đạo. Nhìn lầm đối tượng một chút là thất bại nặng. Theo kinh nghiệm riêng tôi, có những điều nói ra được quần chúng hoan nghênh, nhưng chính quyền không chấp nhận, cũng không nên nói.
Đem hoàn cảnh của người trong kinh so với hoàn cảnh của chúng ta xem có giống hay không. Nếu khác mà vẫn sử dụng thì coi chừng lầm thuốc độc. Phải hiểu rõ Phật nói pháp nào đó vì lý do gì. Thí dụ Ngài nói kinh Quán Vô Lượng Thọ cho vua Tần Bà Sa La trong lúc ông bị người con bất hiếu là A Xà Thế giam cầm trong ngục tù cho đến chết. Và Tần Bà Sa La bị bất lực hoàn toàn, nên Phật mới nói thế giới Ta bà đầy thù hận, khổ đau như vậy và chỉ cho ông hướng tâm về thế giới Cực lạc của Đức Phât Di Đà. Như vậy, vì người tuyệt vọng hoàn toàn ở cuộc đời này, Phật mở ra con đường sáng mới giúp họ bình tâm được.
Nếu đem ý này dạy cho người đang xây dựng đất nước, thì có thể bị ghép vào tội phản động. Người Nhật không chấp nhận việc sống ở đây mà lo chỗ khác. Đối với họ, phải có nghĩa vụ ở đây vì con cháu ở đây, bỏ đi là không được. Vì vậy, Pháp Hoa tông hay Thiền tông phát triển mạnh ở Nhật vì chủ trương xây dựng người có nghị lực để sống và phát triển đất nước. Và Tịnh Độ tông Nhật muốn được chấp nhận phải chuyển hướng bằng cách chủ trương học văn minh phương Tây xây dựng Cực lạc ở nước mình, không thể di trú ở phương Tây được.
Hoàn cảnh của người thích hợp với pháp môn nào, mới sử dụng được lợi lạc. Đức Phật nói pháp khác nhau để ứng với căn cơ, trình độ của đối tượng cần giáo hóa và tùy thời gian, không gian mà cũng có những pháp tương ứng khác nhau. Ở thành Tỳ Da Ly, Ngài nói pháp khác với thành Xá Vệ hay Vương Xá, thậm chí trong hơn 300 hội, Ngài thuyết không giống nhau.
Sinh hoạt của dân chúng ở các vùng khác nhau, nên pháp dành cho từng nơi cũng không thể giống nhau. Đơn giản như ở Việt Nam có ba miền Nam, Trung, Bắc cũng đã có phong tục, tập quán riêng Quan điểm đã khác nhau, nên sinh hoạt tu hành tất yếu phải khác, nói chi đến sinh hoạt Phật giáo của các quốc gia bạn.
Thời Phật tại thế, thể chế chính trị, luật pháp … ở thành Xá Vệ của vua Ba Tư Nặc khác với thành Vương Xá của vua A Xà Thế. Và hai vua này cũng đối xử với Phật giáo hoàn toàn trái ngược nhau. Tại Vương Xá thành, vua thả voi say để rượt đuổi Tỳ kheo, tức một nước hoàn toàn không đồng tình với đạo Phật. Trong khi ở Xá Vệ, vua Ba Tư Nặc ra luật miễn trừ mọi tội phạm cho Tỳ kheo, dù phạm tội gì cũng không bị xử trị. Đối trước hai thái độ dành cho đạo Phật ở hai thái cực như vậy Đức Phật đã thuyết pháp tương ứng với họ để sau cùng chuyển hóa được vua cực ác A Xà Thế phải thay đổi thái độ thù nghịch của ông thành việc hộ pháp đắc lực.
Nhân thức sâu sắc kinh nghiệm hoằng pháp của Đức Phật như vậy, các thầy cô phải hiểu rõ luật pháp Việt Nam ở nước xã hội chủ nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện tại để nói pháp cho thích hợp.
Ở đây chúng ta trở lại vấn đề tại sao cho rằng kinh Pháp Hoa được sử dụng cho ngày nay. Người tu Tịnh độ nói rằng hiện tại là thời mạt pháp, tất cả pháp đềukhông sử dụng được , chỉ còn pháp tốt nhất thích hợp cho chúng ta là niệm Nam mô A Di Đà Phật để được vãng sanh Tây phương Tịnh độ.
Trái lại, Pháp Hoa tong xây dựng trên quan điểm hoàn toàn khác. Họ cho rằng thời kỳ mạt pháp là thời kỳ của kinh Pháp Hoa, đó là bộ kinh tối thượng, chỉ nở trong bùn, không nở trên đá được. Ý này thể hiện qua hình ảnh Đức Phật ra đời trong lúc xã hội bất an và Ngài làm cho mọi người an.
Pháp Hoa tông quan niệm trái ngược Tịnh Độ tông, họ đặt thời kỳ mạt pháp là thời kỳ trổ hoa kết trái, không phải là thời kỳ kết thúc sầu thảm. Bình tâm nghĩ lại, chúng ta thấy họ cũng có phần đúng. Thật vậy, khi Phật tại thế, Ngài chỉ thuyết pháp độ sanh dọc theo sông Hằng trong vùng Ngũ hà, không xa hơn, đó là thời kỳ chánh pháp.
Nhưng đến thời tượng pháp, vua A Dục thành lập các đoàn truyền giáo hoằng pháp rộng đến một số nước khác. Và đến thời mạt pháp của chúng ta, rõ ràng Phật pháp đã được truyền bá khắp năm châu bốn biển.
Chánh pháp ví như gốc cây, tượng pháp ví như thân cây và mạt pháp ví như cành lá, ngọn cây. Bông trái chỉ có trên cành, trên ngọn, không có dưới gốc. Với lý luận của Pháp Hoa tông không phải thờ mạt pháp là chết đến nơi, nhưng là thời phát triển cực thịnh của Phật pháp với vô số kinh tạng và sách luận giải bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. Chỉ riêng sách "Những lời dạy của Đức Phật" đã được phổ biến với 42 thứ tiếng và được truyền bá khắp thế giới. Và trên khắp quả địa cầu này, không đâu không có sự tôn thờ Phật, không có người tín ngưỡng và sống theo pháp Phật từng phút từng ngày.
Pháp Hoa tông hay nói chung theo quan niệm Phật giáo Đại thừa, thời mạt pháp ví cho cành lá pháp triển sum sê, không phải tàn lụi. Vì vậy, giáo pháp được mở rộng đến nơi nào đều thích nghi với phong tục, tập quán nơi đó và làm lợi ích cho người dân.
Từ góc độ này nhìn xa hơn, kinh Pháp Hoa theo Đại thừa Phật giáo là Diệu pháp và Liên hoa. Nó tiêu biểu cho thân của người tu không lỗi lầm, trong sạch như hoa sen không dính nước và tâm của họ thậm thâm vi diệu, ví như minh châu hay viên ngọc sáng.
Hiểu như vậy, đòi hỏi nhà truyền giáo Phật giáo phải có đạo đức, không phạm sai lầm, có hiểu biết chính xác. Ở thời mạt pháp hay ngũ trượt khổ đau, đạo Phật sản sanh cho cuộc đời con người trong sạch, không nhiễm bụi trần và tâm sáng suốt, đó là ý nghĩa tuyên dương Pháp Hoa.
Không nên hiểu Pháp Hoa là bộ kinh bằng văn tự có 28 phẩm và chỉ đọc tụng suông. Quan trọng là kinh này rèn luyện chúng ta thành người vô nhiễm. Tụng kinh Pháp Hoa suốt đời mà tâm nhiễm ô, thân tội lỗi, vô dụng thì coi như không phải Pháp Hoa.
Tóm lại, nhà truyền giáo sống trên cuộc đời phải có tùy hình hảo và hảo tướng kết tinh bằng những việc làm lợi ích cho người. Muốn như vậy, phải phát huy huệ vô lậu hay viên ngọc sáng. Kinh Pháp Hoa gọi là minh châu trong chéo áo hay trên búi tóc, nghĩa là phải sáng suốt.
Viên minh châu gắn vào chéo áo, tức trí tuệ của thầy bạn đã trao cho chúng ta. Viên minh châu trên búi tóc hay trên đỉnh đầu của chúng ta là trí tuệ tu chứng của chính bản thân, hay nói cách khác là phải đánh giặc có công, phải cứu nhân độ thế mới được ban thưởng.
Ý này nói lên rằng người truyền bá chánh pháp của Đức Phật phải có tầm nhìn sáng suốt, nói được những điều lợi ích cho đời và sống phạm hạnh, mới thực sự phổ biến được pháp Phật. Nếu chỉ giảng nói suông và cuộc sống không thể hiện chút gì lời Phật thì đã biến thuốc hay thành chất độc hại người.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.4/11/2014.
No comments:
Post a Comment